Đi bộ: tại sao không?

Người dân luôn mong muốn hè phố thông thoáng, sạch, an toàn để được đi bộ, kể cả đi đến nơi làm việc. Trong ảnh: các bạn trẻ làm việc ở trung tâm TP.HCM, nơi có điều kiện lý tưởng cho người đi bộ – Ảnh: T.T.D.

Tại cuộc họp duyệt kế hoạch năm 2017 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM ngày 17-2, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa nêu ý kiến kêu gọi cán bộ công chức, người dân tăng cường đi bộ, vừa rèn luyện sức khỏe vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường.

Làm sao để lời kêu gọi này thành hiện thực, không dừng lại ở tính phong trào? Tuổi Trẻ đăng ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, người dân xung quanh vấn đề này và mong nhận thêm các góp ý của bạn đọc.

* Ông Bùi Xuân Cường 
(giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM):

Khu vực trung tâm TP.HCM đủ điều kiện 
tổ chức đi bộ

Trong định hướng phát triển giao thông TP.HCM từ nay đến năm 2020 đều hướng tới việc giảm xe cá nhân vào trung tâm, tăng phương tiện công cộng và tạo điều kiện cho người dân đi bộ, đi xe đạp hơn.

Hiện nay TP.HCM đang khởi động lại dự án hạn chế ôtô vào trung tâm thông qua hình thức thu phí, tăng mức thu phí đậu ôtô. Bên cạnh đó, xe buýt, xe buýt điện chạy vòng trung tâm qua các địa điểm tham quan như Thảo cầm viên, quảng trường Nguyễn Huệ… đã được khai thác sử dụng.

Hiện sở đang nghiên cứu đề xuất thêm một số tuyến đường phục vụ người đi bộ giống như đường Nguyễn Huệ, xây dựng lộ trình các tuyến xe buýt kết nối với các trạm dừng metro, kể cả việc khảo sát xây dựng các điểm giữ xe đạp công cộng khu vực trung tâm… Định hướng này nhằm mục tiêu giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tăng cường các tiện ích để người dân có thể 
đi bộ nhiều hơn.

Trước đây, sở cũng kêu gọi toàn thể cán bộ công nhân viên đi xe buýt đi làm một số ngày trong tuần, sắp tới sở sẽ tiếp tục kêu gọi toàn thể cán bộ công nhân viên ngành giao thông hưởng ứng chủ trương đi bộ của UBND TP.HCM.

* Ông Lê Hoàng Hà(chủ tịch UBND Q.Gò Vấp):

Kiên quyết 
giải tỏa lề đường 
cho người đi bộ

Cán bộ công chức, người dân đi bộ hoặc dùng phương tiện công cộng đi lại, đi làm là một xu hướng văn minh tất cả đô thị hướng tới. Khi hạ tầng kỹ thuật, giao thông phát triển đồng bộ thì việc đi bộ không cần phải kêu gọi nữa. Nhưng trong điều kiện chúng ta đang từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, giao thông rất cần sự ủng hộ của người dân giảm bớt sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường đi bộ, phương 
tiện công cộng.

Việc vận động, kêu gọi cũng là một trong những giải pháp tạo ra nhu cầu, nhận thức, thói quen của người dân hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân. Suy cho cùng tất cả vấn đề về ùn tắc, lấn chiếm lòng lề đường… đều có sự liên quan chặt chẽ với việc sử dụng phương tiện cá nhân đến mức lạm dụng.

Theo quan điểm cá nhân tôi, ngoài vận động thì nên xử lý những trường hợp góp phần lấn chiếm từ hành vi đậu xe mua hàng hóa dưới lòng đường. Đề án hạn chế xe cá nhân cũng phải được tính đến một 
cách nghiêm túc.

Ở góc độ tham gia lập lại trật tự lòng lề đường, UBND Q.Gò Vấp đã có chỉ thị 03 gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương, đưa vào thành chỉ tiêu đánh giá cán bộ công chức cuối năm. Trong năm 2016 gần 1/4 cán bộ công chức trên địa bàn quận (146 người – PV) bị đánh giá năng lực còn hạn chế vì chưa xử lý tốt vấn đề lấn chiếm lòng lề đường. Nếu hai năm liền bị đánh giá như trên, lãnh đạo địa phương sẽ bị cách chức, công chức thường sẽ ra khỏi hệ thống.

Đây vừa là áp lực vừa là động lực cho các địa phương thực hiện quyết liệt trong năm 2017. Bên cạnh đó, quận sẽ kêu gọi toàn thể cán bộ công nhân viên trên địa bàn quận ủng hộ chủ trương đi bộ, sử dụng phương tiện công cộng mà UBND TP.HCM kêu gọi.

TS Nguyễn Minh Hòa(chuyên gia đô thị):

Lãnh đạo, công chức phải làm gương

Đi bộ có giá trị về nhiều mặt như rèn luyện, nâng cao sức khỏe, giảm thiểu phát thải khói bụi góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra một hình ảnh đẹp đẽ, thân thiện ở đô thị. Cán bộ công chức, người dân có thể đi bộ đi làm trong khoảng cách 1km hay ở khoảng cách xa hơn một chút 2-3km, còn 5km thì nên đi xe đạp. Việc này nên triển khai trước ở các quận 1, 3, sau đó sẽ làm rộng ra 
các quận khác.

Điều quan trọng nhất để chủ trương này thành hiện thực và duy trì thành một nếp thì lãnh đạo, cán bộ công chức phải làm gương, có như vậy khi vận động, kêu gọi người dân mới hưởng ứng. Một hình ảnh đẹp đẽ thân thiện biết bao khi từ những người lãnh đạo cao nhất đến cán bộ công chức đi bộ, đi xe đạp đi làm ở một cự ly hợp lý. Hãy bắt đầu từ việc một tuần có thể đi bộ, đi xe đạp một ngày, rồi một tuần hai ngày… Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Có ý kiến cho rằng phải có điều kiện vỉa hè thông thoáng mới tổ chức đi bộ được. Theo tôi, ý kiến này chỉ đúng một phần, bởi chúng ta thật sự quyết tâm tổ chức đi bộ thì đương nhiên các hành vi lấn chiếm trên vỉa hè sẽ tự động điều chỉnh dần. Hay việc đi xe đạp nhiều đương nhiên các dịch vụ như cho thuê xe đạp, bãi giữ xe sẽ mọc lên để đáp ứng nhu cầu. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần quản lý bằng quy hoạch, định hướng.

* Ông Lê Vĩnh Thanh(nhân viên Công ty Bảo hiểm quận Tân Bình):

Có điều kiện 
hãy đi bộ

Là dân văn phòng, hầu như suốt ngày làm việc trong phòng, tôi luôn tranh thủ thời gian để đi bộ. Trước đây, công ty cách nơi tôi ở khoảng 2km, do đó những ngày làm việc bình thường, không phải đi gặp khách hàng hay công việc ở xa, tôi luôn tranh thủ đi bộ đến chỗ làm. Mỗi ngày tôi mất khoảng 30 phút để đi bộ, bù lại đó là khoảng thời gian giúp tôi vận động, giúp mình duy trì sự nhanh nhẹn, sức khỏe dẻo dai hơn.

Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ việc lãnh đạo TP.HCM kêu gọi đi bộ. Đi khoảng cách bao nhiêu tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người nhưng hãy đi bộ trong mọi điều kiện có thể, bởi trước tiên việc này đem lại lợi ích chính bản thân mình. Cán bộ công chức cũng cần phải làm gương trong vấn đề này.

Người dân đang được khuyến khích đi bộ và dùng xe buýt để đến nơi làm việc – Ảnh: Q.Định

* Một phụ huynh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1):

Mất rất nhiều 
thời gian

Tôi ủng hộ đi bộ để rèn luyện sức khỏe, nhưng nói chuyển hẳn sang đi bộ để đến nơi làm việc, đến trường thì tôi e là không thuận tiện lắm mặc dù nhà tôi ở đường Nguyễn Văn Cừ chỉ cách chừng 1km thôi.

Học sinh đi bộ từ nhà đến trường phải dậy sớm hơn, chưa nói là đi bộ sẽ rất mệt, tới nơi các em cần phải nghỉ ngơi mới có thể vào học. Còn với riêng tôi, thức dậy phải chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, ăn sáng xong chở con tới trường rồi mới đi tới nơi làm việc. Nếu chuyển qua đi bộ tôi phải dậy sớm hơn và phải rời khỏi nhà sớm hơn nên chắc 
chắn sẽ bất tiện.

Đinh Vũ Nguyên Chương (học viên cao học Trường đại học Sư phạm TP.HCM):

Nên khuyến khích 
đi xe đạp

Tôi rất ủng hộ việc hạn chế đi xe máy vì hiện tại mật độ xe máy, xe hơi ở TP.HCM đã quá nhiều rồi. Việc đi bộ cũng là một phương án tốt, nhưng với điều kiện vỉa hè phải đảm bảo thông thoáng, an toàn cho người đi bộ. Nếu đảm bảo tuyến đường nào cũng có vỉa hè rộng rãi hoặc có hành lang đi bộ riêng, có chỗ tránh mưa tránh nắng thì không chỉ tôi mà chắc chắn nhiều người khác cũng ủng hộ.

Ngoài ra, tôi đề nghị nên khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe máy sang phương tiện khác thân thiện với môi trường hơn, như xe đạp chẳng hạn. Có thể xe đạp không giúp giải quyết tình trạng kẹt xe nhưng sẽ giảm bớt khí thải và tốt cho sức khỏe.

Huỳnh Lâm Diễm My (SV Trường đại học KHTN TP.HCM)

Sẵn sàng đi bộ nếu vỉa hè thông thoáng, sạch sẽ

Bản thân tôi rất thích đi bộ, sáng nào cũng đi bộ thể dục hơn 3km nên tôi thấy việc đi bộ không phải là khó. Tuy nhiên đi bộ đi làm thì không thể đi nhanh như khi tập thể dục, khoảng cách 3km sẽ phải mất gần một tiếng đồng hồ. Rồi phải giải quyết chuyện mồ hôi đổ ra, nghỉ ngơi phục hồi. Chưa kể hiện nay không phải đường nào cũng có vỉa hè đủ rộng và trống trải thuận tiện để đi bộ. Quán xá, cơ sở kinh doanh chiếm vỉa hè để giữ xe, bàn ghế và đủ thứ chướng ngại. Chẳng lẽ gặp hàng quán như thế thì phải đi xuống lòng đường?

Tôi sẵn sàng đi bộ trong cự ly dưới 3km như TP kêu gọi nhưng trước hết cơ quan chức năng cần đảm bảo có vỉa hè thông thoáng, sạch sẽ.

Lề đường phải thông thoáng trước khi
 tổ chức đi bộ

Trước khi nêu ra ý kiến tổ chức cho cán bộ công chức, người dân đi bộ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa khẳng định với điều kiện sẽ tổ chức lề đường thông thoáng trước. Q.1 đang kiểm tra xử lý trật tự lòng lề đường, mục tiêu là trả lại lề đường cho người đi bộ. Các quận huyện khác trước đó cũng đã đăng ký 159 tuyến đường kiểu mẫu không lấn chiếm.

Ông Khoa đã yêu cầu Ban an toàn giao thông TP.HCM cùng các lực lượng chức năng tổng kiểm tra, rà soát việc thực hiện đăng ký của các quận huyện. Quận huyện nào làm tốt sẽ biểu dương khen thưởng, còn quận huyện nào chưa có giải pháp tích cực thì ngoài việc khẩn trương đề ra giải pháp thực hiện tạo sự chuyển biến còn bị phê bình, kỷ luật.

Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp (giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM):

Nên thành phong trào rộng lớn

Trong các dịp hội thảo, tôi đã nhiều lần đặt ra vấn đề là hiện nay nhiều người vận động quá ít, dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe. Mới đây, khi gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM, tôi cũng đề xuất một phong trào vận động, làm sao để người dân tăng cường vận động hằng ngày, ít nhất tương đương với 10.000 bước chân đi bộ mỗi ngày.

Sau đề xuất đó, tôi rất vui vì nhiều người từ anh em tới bạn bè, đồng nghiệp, các em sinh viên bàn luận và cố gắng thực hiện theo. Nhiều người gặp tôi còn khoe thành tích đi bộ của mình. Rõ ràng có sự thay đổi nhất định. Vì vậy, tôi cho rằng việc ông Lê Văn Khoa kêu gọi cán bộ, người dân đi bộ đi làm để giảm kẹt xe, tăng cường sức khỏe là ý tưởng tốt, được đại diện các đơn 
vị, sở ngành đồng ý.

Dưới góc độ sức khỏe, việc đi bộ rất tốt. Còn các vấn đề khó khăn với người đi bộ như thiếu vỉa hè, thiếu bóng mát, khí hậu nóng bức… tôi cho rằng có thể khắc phục được nếu có giải pháp cụ thể. Ở những nước như Singapore, khí hậu cũng rất nóng nhưng người dân vẫn đi bộ nhiều. Vấn đề là các cơ quan phải cùng vào cuộc, chứ một người hay một đơn vị tổ chức thì cũng khó.

Tính giải pháp phải khả thi, chứ không thể kêu gọi người dân đổ ra đường đi bộ mà không đảm bảo được những điều kiện tối thiểu cho người đi bộ. Với sự quyết tâm của chính quyền, tôi tin rằng một phong trào rộng lớn kêu gọi mọi người đi bộ, tăng cường vận động sẽ có thể thực hiện được.

MAI HOA ghi

Bà Anke Van Lancker (bí thư thứ nhất Đại sứ quán 
Vương quốc Bỉ tại Việt Nam):

Cũng có thể khuyến khích đi xe đạp

Việc TP.HCM đề xuất khuyến khích người dân đi bộ để rèn luyện sức khỏe và giảm kẹt xe, theo tôi, là một thông tin tuyệt vời. Đây là một sáng kiến tốt, nhưng tôi nghĩ khi bắt tay vào thực hiện sẽ gặp thách thức to lớn.

Tôi thấy hầu hết thời gian trong ngày, vỉa hè ở các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội đều bị lấn chiếm bởi các bãi đậu xe máy và quán ăn, nên rất khó để tạo vỉa hè thông thoáng, an toàn cho người đi bộ. Đối với trẻ em, mong muốn tìm một nơi vui chơi hay nơi đi bộ an toàn trên vỉa hè thì tình trạng hiện tại là không phù hợp.

Theo tôi, thay vì khuyến khích người dân đi bộ, chính quyền các thành phố lớn ở Việt Nam nên thúc đẩy người dân đi xe đạp, vừa bảo vệ môi trường, vừa tránh kẹt xe, đồng thời rèn luyện sức khỏe. Để biến điều này thành hiện thực, chính quyền nên mạnh dạn đầu tư xây dựng những làn đường riêng dành cho xe đạp ở khu trung tâm. Tuy nhiên, thách thức đối với Việt Nam là có quá nhiều xe máy trên đường phố và ô nhiễm không khí.

Các thành phố ở Bỉ và các quốc gia châu Âu khác, chính quyền khuyến khích người dân đi xe buýt bằng cách trợ giá hay thậm chí miễn phí vé. Còn khuyến khích người dân đi xe đạp, Bỉ có chính sách yêu cầu chủ sử dụng lao động trả cho nhân viên đạp xe 0,22 euro mỗi kilômet đạp xe. Khoản tiền trợ cấp này không được tính thuế. Chúng tôi cũng đang cân nhắc chương trình trợ cấp tương tự cho người đi bộ.

QUỲNH TRUNG ghi

Đi bộ: tại sao không?
Rate this post