Phà Cát Lái – Những nẻo đường Nhơn Trạch

Nhơn Trạch là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa – lịch sử của tỉnh Đồng Nai và cũng là một huyện năng động trong kinh tế, xã hội hiện nay.

Nhìn cảnh tượng ở phà Cát Lái có thể hiểu được nhịp sống và nhịp phát triển của vùng đất Nhơn Trạch theo dòng thời gian.

Phà Cát Lái

Cho đến nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đời sống cư dân Nhơn Trạch vẫn còn khó khăn. Bến phà thuở ấy chưa tấp nập rộn ràng như bây giờ. Khoảng cách đôi bờ không xa lắm nhưng dòng sông như mênh mang hẳn ra vì vắng bóng thuyền đò. Trên bến phía Phú Hữu có vài quán ăn phục vụ những người khách chờ phà mỏi mệt. Khi nào chiếc phà cây (do làm bằng gỗ, của Nhà nước) đầy khách mới từ từ chạy sang bờ quận 2. Ở bên ấy, phà lại tiếp tục chờ bao giờ đầy khách mới đủng đỉnh quay về bên này. Trên sông, những đám lục bình trôi chậm rãi dềnh dàng khiến người chờ phà càng thêm sốt ruột!

Nhưng bắt đầu giữa thập niên 90, đời sống dân cư Nhơn Trạch đã có những thay đổi. Rất nhiều người từ Nhơn Trạch sang thành phố Hồ Chí Minh làm thợ hồ, làm công nhân trong các công trình xây dựng. Bến phà nhộn nhịp lên. Phà tăng thêm chuyến. Ngoài phà cây còn có đò nhỏ của tư nhân. Đi đò nhỏ ngoài tiền vé mua ở quầy vé, khách còn phải tốn thêm tiền bốc vác xe lên khi tới bến. Nhưng dù có phải trả thêm tiền, nếu chậm chân vẫn không xuống đò được. Ai cũng vội nên thường có cảnh tranh giành, có lần tai nạn lật đò, chết người đã xảy ra.

Đầu những năm 2000, các khu Công nghiệp ở Nhơn Trạch mở ra. Thanh niên không cần phải sang TPHCM tìm việc. Họ vào các công ty của Hàn Quốc, Đài Loan làm công nhân. Bến phà Cát Lái không còn cảnh tượng cư dân Nhơn Trạch đổ về thành phố Hồ Chí Minh, mà có cảnh ngược lại. Dân Sài Gòn qua mua đất. Đất trải qua những cơn sốt, tăng giá nhanh chóng, bất ngờ. Người Sài Gòn phát hiện Nhơn Trạch là một vùng đất nhiều hứa hẹn. Nhơn Trạch sát Sài Gòn, gần Biên Hòa, cận Vũng Tàu, như một tâm điểm của một tam giác vàng. Đất Nhơn Trạch tuy tăng giá vùn vụt theo những cơn sốt nhưng so với thành phố Hồ Chí Minh cũng còn quá rẻ. Mua đất xong có thể cất biệt thự rộng rãi, cây trái xanh tươi. Lại có thể đi từ Sài Gòn đến Vũng Tàu bằng con đường 25B, ngắn hơn nhiều so với đi vòng ngoài xa lộ, qua ngã ba Vũng Tàu, theo quốc lộ 51. Còn có thể kể nhiều thứ hấp dẫn khác về Nhơn Trạch như Rừng Sác anh hùng, khu du lịch sinh thái Bò Cạp vàng, Bằng Lăng tím, sông nước hữu tình, nhiều cảnh quan đẹp, người dân thân thiện…

Khi cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ được xây dựng, nhiều chiếc phà lớn vẫn dọc ngang trên sông nước miền Tây lại được đưa về bến phà Cát Lái. Những chiếc phà này có tải trọng lớn, chở được xe tải nhỏ, xe du lịch 16 chỗ, 25 chỗ. Bến phà Cát Lái ngày càng tấp nập hơn. Từ khoảng năm 2006 đến đầu năm 2014, bến phà Cát Lái hoạt động suốt ngày đêm. Cảnh thường thấy mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật ở phía Phú Hữu là cả hàng cây số xe nối đuôi nhau chờ phà về Sài Gòn. Vào những ngày lễ lớn như 30/4, 2/9, trên các phương tiện truyền thông, hình ảnh đông đúc ở bến phà Cát Lái thường được dùng để minh họa cho những bản tin về việc tham quan, vui chơi…

Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, cụ thể là từ ngày 2/1/2014, đoạn đường cao tốc Cát Lái – Long Thành được đưa vào sử dụng. Xe bốn bánh không qua phà nhiều như trước nữa. Bến phà trở nên thông thoáng. Khách qua sông có thể thoải mái nhìn ngắm trời mây, non nước, quan sát dòng sông những lúc thủy triều lên xuống để suy tư về dòng chảy cuộc đời, nhận rõ những đổi thay của một vùng đất quê, sự phát triển của một đô thị tương lai sau hai mươi năm miệt mài củng cố, xây dựng.

Từ bến phà Cát Lái, khách đến Nhơn Trạch có thể chạy xe hơi, xe máy đến nơi cần đến, hoặc có thể đi xe ôm, xe buýt. Xe ôm phục vụ từ sáng sớm đến tối, sẵn sàng đi bất cứ đâu, giá cả thỏa thuận, thường không đắt bằng xe ôm ở các thành phố lớn. Ngày trước, tài xế xe ôm thường xuống tận cầu phà đón khách. Bây giờ đội ngũ xe ôm được tổ chức quy củ hơn, đợi khách ở phía chùa Cao Đài cách cầu phà khoảng chừng trăm mét. Muốn rẻ hơn, khách thường chọn xe buýt. Có hai tuyến: xe buýt Cát Lái – Long Thành và xe buýt Cát Lái – Hiệp Phước. Hai tuyến đều là xe buýt nhỏ màu vàng, loại Daihatsu. Hai tuyến đều chưa được trợ giá, chạy theo tần suất nửa giờ một chuyến. Chuyến đầu 5 giờ 30 phút sáng, chuyến cuối 5 giờ chiều.

Từ bến phà Cát Lái đi tiếp khoảng bốn cây số là đến Đại Phước. Đây là một xã khá “giàu có” của huyện Nhơn Trạch. Sự phồn thịnh của kinh doanh, dịch vụ đem đến cho cư dân ở đây một lối sống thị dân. Chợ Mới Đại Phước khá sầm uất. Ngay cổng chợ là những nhà cao tầng. Có chi nhánh ngân hàng, nha khoa thẩm mỹ, tiệm vàng… Chợ xưa ở gần cầu Phước Lý, có nhiều loại hàng hóa đưa đến chợ theo đường thủy. Giờ chỉ còn lẻ tẻ một vài căn hộ mặt tiền bán hàng tạp hóa, trái cây…

Ngã ba Đại Phước có hai đường rẽ. Một đường đi về phía Vĩnh Thanh, qua Phước An, Long Thọ, đến Hiệp Phước, thẳng ra quốc lộ 51. Một đường đi về phía Phú Đông, Phú Thạnh, Long Tân, Phú Hội thẳng ra thị trấn Long Thành.

Đường từ ngã ba Đại Phước đi về phía Vĩnh Thanh, Hiệp Phước là hương lộ 19, tên mới đặt là Hùng Vương. Xưa là đường đất đỏ. Một màu đỏ rất đặc trưng của chốn quê. Bây giờ, như hầu hết những con đường trong huyện, đường đã được mở rộng, nhựa hóa. Những chỗ xưa là Dốc cao, Dốc nhỏ nay đã được san phẳng. Đường nhánh rẽ sang Giồng Ông Đông cũng được trải nhựa. Học trò xưa ở đây đi học cấp ba từng phải qua một cầu khỉ bằng thân cây dừa trơn trượt bùn sình, hoặc theo con nước đi thuyền ra Đại Phước rồi mới đến trường được, nay đi học bằng xe máy dễ dàng. Đường nhánh rẽ sang Phước Khánh bây giờ cũng không còn mấp mô, gập ghềnh nữa. Có thể đường nhánh này sẽ giữ một vai trò quan trọng trong tương lai gần. Trước đây, nó là đường nối Nhơn Trạch sang Bình Khánh, Nhà Bè. Giờ, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành được khởi công ngày 19/7/2014 khiến những địa danh như Bình Khánh, Phước Khánh nổi bật hẳn lên.

Vĩnh Thanh là một xã nhiều xứ đạo. Ở xứ đạo, người ta có thể thấy được đời sống thịnh suy của con chiên qua hình ảnh các ngôi thánh đường. Các nhà thờ ở Vĩnh Thanh hầu hết đã được trùng tu lại với những kiểu dáng đẹp, hiện đại. Đó là bằng chứng của đổi mới tư duy, của phát triển. Những năm đầu thống nhất đất nước, nhiều người từ Bắc sang thăm thân nhân di cư vào Nam năm 1954 ở Vĩnh Thanh đã ngạc nhiên vì thôn ấp, đồng ruộng ở đây vẫn còn giữ được nét đặc trưng của làng quê Bắc bộ. Bây giờ thì nhịp sống mới đã phả một hơi thở nồng nhiệt vào làng quê, cộng thêm những cơn sốt đất dữ dội đầu những năm 2000 khiến “Hương đồng gió nội” đã bay đi rất nhiều. Chẳng còn mấy nhà trồng rau, làm ruộng. Ấp Hòa Bình xưa họp chợ lúc năm giờ sáng, những ngọn đèn dầu hắt hiu bên hàng rau, cá khô, đậu hũ… Bây giờ nhộn nhịp những cửa hàng kim khí điện máy, những cơ sở sản xuất, chế biến các mặt hàng tiêu dùng, bánh kẹo đưa đi phân phối nhiều nơi. Chợ Sơn Hà đang được xây mới, buôn bán suốt ngày, đủ loại hàng hóa. Trường cấp I, cấp II ríu rít tiếng cười thơ trẻ, khăn quàng đỏ trên vai. Cũng còn đó những cánh đồng hai bên đường lộ, nhưng không còn cảnh nông dân tấp nập ra đồng như xưa, không còn tiếng xe bò, xe trâu gõ nhịp trên đường quê. Cũng không còn cảnh dân Vĩnh Thanh vội vã ra bến thuyền sang sông làm ruộng cho kịp con nước như xưa nữa. Dòng sông đã có những thay đổi khi đập ngăn mặn được xây dựng. Dòng đời cũng đã có nhiều đổi thay.

Phước An, Long Thọ xưa thực sự là những xã “vùng sâu, vùng xa”, tuy học trò Phước An học lớp 12 chưa bao giờ được cộng điểm ưu tiên khu vực vào hồ sơ dự thi tốt nghiệp. Nhà cửa xưa thưa thớt. Chiều mưa lớn tiếng ễnh ương kêu vang trời. Tối hắt hiu những ánh đèn dầu loáng thoáng sau những rặng cây. Ngày xưa người ta còn đến Phước An để săn thú, bắt chim! Long Thọ còn có vẻ vắng hơn. Cái vắng vẻ kéo dài cho đến ngã tư Hiệp Phước. Thế nhưng bây giờ thì xã nào cũng tràn trề nguồn sinh lực. Cụm dân cư mới đã hình thành ở hai xã này. Cả Phước An, Long Thọ đều nằm trong số bốn xã được huyện đầu tư xây dựng nông thôn mới (hai xã còn lại là Phước Khánh, Long Tân). Long Thọ còn là một trong số 15 xã hoàn thành đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh Đồng Nai.

Hiệp Phước là một xã mới phát triển, nhờ nằm trên trục đường 25B. Ở ngã tư Hiệp Phước có bốn ngả đường. Nếu cứ đi thẳng tuyến Vĩnh Thanh, Phước An thì sẽ ra Phước Thiền. Nếu rẽ phải theo đường 25B thì ra quốc lộ 51. Rẽ trái cũng theo lộ 25B thì về trung tâm huyện, ở đó có trung tâm hành chính của huyện, có hầm đi bộ. Đường 25B đi qua các công ty, xí nghiệp, có những đường nhánh để vào các khu công nghiệp. Đường nào cũng đẹp đẽ, thênh thang.

“Đất lành chim đậu”. Di dân từ nhiều tỉnh khác đến làm việc ở các khu công nghiệp. Mật độ lưu thông xe cộ trên đường 25B rất lớn. Xe tải, xe công-te-nơ, xe máy đông đúc trên đường. Xe buýt về Biên Hòa xuất phát từ cây xăng Tín Nghĩa, xe buýt đi Sài Gòn xuất phát từ trung tâm huyện đều đi qua Hiệp Phước. Đi qua Hiệp Phước người ta dễ có cảm tưởng đi qua một khu phố nhộn nhịp của thành phố lớn, nhất là vào ban đêm, khi đèn đường, đèn xe, đèn trong các cửa hiệu cùng chiếu sáng, tôn lên những sắc màu cuộc sống rực rỡ, vui tươi, hào hứng, bận rộn, náo nhiệt.

Từ ngã ba Đại Phước, nếu không rẽ trái về Vĩnh Thanh mà cứ đi tiếp, sẽ là đường Lý Thái Tổ, qua Phú Đông, Phú Thạnh, Long Tân, Phú Hội, Phước Thiền, đến thị trấn Long Thành.

Từ sau Giải Phóng đến đầu những năm 2000, từ Đại Phước đi Phú Thạnh, người dân không cần phải vòng qua Phú Đông mà được phép đi thẳng qua Thành Tuy Hạ. Đây là doanh trại quân đội của đơn vị K862, sau này có thêm lữ đoàn 696, vùng 2 Hải quân. Thành Tuy Hạ nổi tiếng từ trong kháng chiến chống Mỹ với vụ nổ kho bom rung trời lở đất khiến kẻ thù phải kinh hoàng. Nhơn Trạch có nhiều đơn vị bộ đội, ngoài thành Tuy Hạ với các đơn vị hải quân nêu trên còn có doanh trại bộ đội Hóa học ở Bàu Sen Phú Thạnh, và doanh trại chiến sĩ Phòng không Không quân phía Vĩnh Thanh. Miền đất Nhơn Trạch vốn có truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chiến khu Rừng Sác ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc nhiều chiến công oanh liệt. Đoàn 10 đặc công đã trở thành bất tử. Đền Liệt sĩ Nhơn Trạch trở thành điểm đến tự hào trong những chuyến du khảo “Về nguồn” của tuổi trẻ hiện tại. Đình Phú Mỹ với ba câu đối tôn vinh Hồ Chí Minh thể hiện trí tuệ và lòng trung kiên bất khuất của người dân một vùng đất phương Nam.

Nhưng đi vòng qua Phú Đông cũng là điều thú vị. Vì có thể chứng kiến nhiều đổi mới: đường mới mở, trường mới xây, nhà hàng mới khai trương, biệt thự của dân thành phố về mới xây lên, những cây xăng bề thế ở Bàu Sen bán cả loại xăng mới nhất là A95 phục vụ cho rất nhiều xe tay ga đắt tiền xuôi ngược liên tục. Đi vòng qua Phú Đông còn được ngắm nhìn rừng cây cao su xanh mát đang thu hẹp dần diện tích để dành chỗ cho những công trình mới. Những năm 1980, 1990, từ Bàu Sen vào đầu xã Phú Thạnh chỉ là lối mòn qua rừng. Mùa nắng thì ngược gió, bánh xe lún vào cát. Mùa mưa thì sình lầy, ngập nước. Phải thông thuộc từng chỗ ngoặt, đếm từng cây cao su để tránh những hố sâu nằm ẩn dưới mênh mông nước. Bây giờ thì đường quá thênh thang. Xe buýt sớm chiều đưa đón công nhân, học sinh. Xe ô tô tư nhân lướt nhanh trong nắng gió. Có một ngã ba trong khu rừng cao su rẽ vào đường 25B để đi qua ngã tư Hiệp Phước, ra quốc lộ 51, trực chỉ Vũng Tàu.

Phú Thạnh trước 1975 là trung tâm của quận Nhơn Trạch. Đường qua đây vẫn được gọi tên cũ là 25A. Trường trung học Nhơn Trạch được thành lập năm 1965. Sau giải phóng, trường dời cơ sở đến chỗ vốn là chi khu của quân đội cũ, trở thành trường cấp III. Những năm “đêm trước đổi mới”, đời sống còn nghèo cực, buổi tối đứng ở cổng trường nhìn vào khu trường thấy âm u ảm đạm. Năm 1991, trường trở về mái nhà xưa, nơi đầu tiên trường được thành lập. Năm 1998, trường bắt đầu được xây mới từng dãy lầu. Bây giờ, ngôi trường có ba dãy lầu vươn cao trong nắng gió. Nhiều thầy cô có bằng Thạc sĩ. Nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Và không chỉ trường Nhơn Trạch 50 năm tuổi mới có những thành tích đó, cả những trường cấp III thành lập sau như THPT Phước Thiền, hoặc mới mở như THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đã khẳng định uy tín, chất lượng. Qua những ngôi trường, cũng như qua các cơ sở khác trong huyện như bệnh viện, bưu điện, ngân hàng… có thể thấy được sự phát triển nhanh chóng của Nhơn Trạch.

Long Tân là một xã được nhiều khách hành hương tìm đến vì có ngôi chùa nổi tiếng là chùa Long Hương. Nếu Vĩnh Thanh nhiều nhà thờ thì Phú Thạnh Long Tân lại nhiều chùa. Chùa thường có phòng khám từ thiện cấp thuốc Nam miễn phí. Riêng chùa Long Hương thu hút rất nhiều khách, có cả những nghệ sĩ lớn, do phương thuốc chữa bệnh bằng gạo lứt muối mè. Chiều thứ Sáu khách thập phương đến lấy số thứ tự, sáng thứ Bảy, sư thầy bắt đầu khám bệnh. Thuốc và tài liệu hướng dẫn về gạo lứt muối mè được tặng không. Chùa đang được trùng tu, mở rộng, xây lớn để đón lượng khách đến đây ngày càng tăng nhanh.

Gần Ủy ban Nhân dân xã Long Tân là Ngã tư đường độn (đường số 2) cắt ngang tuyến đường Phú Thạnh – Long Tân. Đã có một dự án xây cầu nối quận 9 thành phố Hồ Chí Minh với Nhơn Trạch liên quan đến con đường này.

Phú Hội nổi tiếng với kinh tế vườn. Sầu riêng, chôm chôm là đặc sản. Những vườn xanh rợp bóng mát dọc con đường lộ 25A quanh co tạo thêm nét trữ tình cho miền đất nhiều cây trái. Trong nhiều khu vườn ở đây, có những mạch nước chảy không ngừng, nước lúc nào cũng trong vắt. Có nhà đào giếng chỉ cần hơn một mét là nước đã phun lên. Đặt một cái lu gốm có đục lỗ dưới đáy vào chỗ mạch nước là có một chum nước vĩnh cửu. Nhìn xóm thôn bình lặng, phong cảnh hữu tình, khó có thể nghĩ rằng đây lại là một xã anh hùng trong toàn huyện.

Ra tới Phước Thiền là thấy sắp tới Long Thành. Điểm đẹp nhất ở xã này bây giờ có lẽ không phải là chỗ ngã ba Phước Thiền quy tụ nhiều shop bán quần áo, giày dép, mắt kính, xe đạp điện, xe máy, hàng điện tử, điện máy gia dụng…, hoặc chỗ trường cấp một, cấp hai, cấp ba gần kề nhau tôn lên vẻ đẹp văn hóa của một vùng đất giàu truyền thống, mà là ở cây cầu mới xây trên con đường mới được mở rộng. Đứng trên cầu này nhìn xuống, người ta không thấy dòng nước lững lờ trôi như đứng trên cầu Phước Thiền xưa. Bây giờ, cầu này bắc trên cao, phía dưới là một phần đường cao tốc Cát Lái – Long Thành – Dầu Giây mới được đưa vào sử dụng. Xe cộ ngược xuôi, đẹp và hiện đại, tạo nên một cảnh quan tuyệt vời, mang đến cho Nhơn Trạch dáng vẻ một đô thị sầm uất.

Thông tin phà Cát Lái

  • Địa chỉ: Nguyễn Thị Định, P. Thạnh Mỹ Lợi, Q2, TPHCM
  • Số diện thoại: (08) 38976106
  • Bản đồ:

Thời gian làm việc của phà Cát Lái

24/24 tất cả các ngày trong tuần bao gồm ngày lễ và chủ nhật.

Giá vé phà Cát Lái

  • Người đi bộ: 1.000 đồng.
  • Người đi xe gắn máy: 3.000 đồng.
  • Ô tô dưới 7 chỗ: 15.000 đồng.
Phà Cát Lái – Những nẻo đường Nhơn Trạch
2 (40%) 1 vote