Tranh cãi nảy lửa quanh lễ hội chém lợn man rợ nhất châu Á

Tổ chức Động vật Châu Á kêu gọi chấm dứt Lễ hội chém lợn, tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, một số dân làng tỏ ra giận dữ khi nghe thông tin này.

Tổ chức Động vật Châu Á ngày 27/1/2015 đã phát động chiến dịch gây ảnh hưởng tới cộng đồng cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, và Bộ TTTT ban hành luật chấm dứt Lễ hội chém lợn, tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Hằng năm, cứ vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, hàng ngàn người dân lại tập trung về thôn Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh để tham dự lễ hội chém lợn. Trong nghi lễ này, các “ông lợn” bị kéo căng bốn chân, chặt ra làm hai khúc… máu me bê bét sân đình. Hàng nghìn người phấn khích hò reo cổ vũ, tranh nhau nhúng tiền vào máu lợn để cầu may.

lễ hội, lễ hội chém lợn, man rợ, tập tục

Tổ chức Động vật châu Á kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn. Ảnh: Internet

Tổ chức Động vật châu Á cho rằng đây là hoạt động phản cảm, gây tác động tiêu cực về nhiều mặt, làm ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến và tác động tới ngành du lịch Việt Nam.

“Việc chém những con heo còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với người khác trong cùng cộng đồng” – tổ chức này nêu rõ.

Đã bớt man rợ và kín đáo hơn?

Ông Nguyễn Tử Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết trên VTC News, hiện nay, lễ hội tại thôn Ném Thượng vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, từ 2 năm trước, do có nhiều ý kiến trái chiều về việc chém lợn công khai giữa hàng nghìn người dân nên UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã có chỉ đạo không tổ chức chém lợn tại lễ hội này nữa.

Lợn cúng tế vẫn được người dân nuôi. Nhưng đến ngày lễ hội, người dân không còn chém lợn, mổ lợn công khai ở sân đình, trước sự chứng kiến của nhiều người nữa. Thay vào đó, một số người sẽ đem lợn ra phía sau đình, nơi kín đáo để thịt lợn giống như cách mổ lợn thông thường”, ông Quỳnh cho biết.

lễ hội, lễ hội chém lợn, man rợ, tập tục
2 chú lợn cúng lễ được rước đi quanh làng. Ảnh: Depplus

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, lễ hội tại thôn Ném Thượng hiện nay diễn ra phù hợp với phong tục, tập quán địa phương, không gây phản cảm. Người dân cũng không còn lấy tiền quẹt máu lợn để đem về với quan niệm cầu may mắn nữa.

BẠN NGHĨ GÌ VỀ LỄ HỘI CHÉM LỢN NÀY? NÊN BỎ HAY DUY TRÌ?

Trên thực tế, từ năm 2013 do có nhiều phản ứng từ dư luận nên làng Ném Thượng không chém phanh thây lợn thành 2 mảnh như trước nữa. 2 “Ông Ỉ”- theo cách gọi tôn kính của dân làng – được đoàn rước đi quanh làng trong sự chào đón nghiêm cẩn của mọi người, sau đó được mang ra sân đình tế lễ bằng cách dùng đao cứa gần đứt đầu lợn. 2 con lợn vẫn sống với một nửa cổ bị cắt rời cho đến khi người ta cắt rời đầu ra khỏi thân trong tiếng reo hò phấn khích của dân làng. Theo nhiều du khách thì xem ra màn chém lợn gần đây còn bất nhẫn hơn cách chém phăng bằng mấy nhát đao kiểu cũ….

“Không chém lợn coi như mất lễ hội”

Khi biết thông tin lễ hội của làng đang bị đề nghị chấm dứt, các bậc cao niên và một số người dân đã lên tiếng phản đối.

Theo thông tin trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Đăng Quy, 86 tuổi, giận dữ: “Chém lợn là lễ hội của làng chúng tôi từ hàng trăm năm nay. Diễn lại tích để tưởng nhớ vị tướng quân chém lợn rừng nuôi quân. Tại sao lại gọi việc đó là dã man?”, ông Quy nói.

Theo ông Quy, cắt cổ hay chọc tiết lợn ở chỗ kín đáo thì không còn giữ được tính nguyên bản nghi lễ.

Ông Nguyễn Hưng Thể, 58 tuổi, người thủ đao trực tiếp chém lợn trong 2 năm liền cũng cho rằng đây không phải hành động tàn bạo mà chỉ là một tập tục bình thường của địa phương.

Ông Thể cho biết: “Nếu nói giết lợn dã man thì to tát quá. Đầu năm mổ lợn để lấy thực phẩm dùng trong ngày Tết, cúng giỗ ở đâu chẳng có. Từ bao nhiêu năm nay, hàng ngàn người xem lễ hội, tôi chưa thấy trẻ con trong làng bị ảnh hưởng nặng nề khi chứng kiến chém lợn. Trái lại, lễ hội đem đến cho mọi người sự vui vẻ, phấn khởi ngày đầu năm mới”.

lễ hội, lễ hội chém lợn, man rợ, tập tục

Dân làng lấy tiền lẻ quệt vào máu “Ông Ỉ” mang về thờ lấy may. Ảnh: Depplus

Đồng tình với việc chém lợn giữa chốn đông người gây phản cảm nhưng theo ông Bùi Quang Nhật, 71 tuổi cho rằng, đây là phong tục đã ăn sâu vào tiềm thức của dân làng. Vì thế không thể nói bỏ là bỏ ngay được. “Chúng tôi đã tránh chém lợn và thay bằng cắt cổ lợn. Giờ ngay cả việc cắt cổ lợn cũng làm chỗ khuất thì coi như mất luôn lễ hội”, ông Nhật nói.

lễ hội, lễ hội chém lợn, man rợ, tập tục

Hai năm gần đây, dân làng đã tránh chém lợn và thay bằng việc cắt cổ lợn.
Ảnh: Depplus

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch phường Ném Thượng cho biết, lễ hội làng Ném Thượng năm nay vẫn diễn ra như bình thường. Phần nghi lễ vẫn được duy trì, đảm bảo nội dung theo nghi thức truyền thống nhưng không thực hiện tục “chém lợn”.

Giải thích về điều này, ông Chương cho biết: “Đề thay đổi tập tục lâu đời của người dân rất khó. Chúng tôi đã trực tiếp xuống lễ hội năm 2014 yêu cầu thay đổi nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân. Lễ hội rất đông, không thể cản người dân vào xem lễ hội, quết tiền lẻ cầu may được”.

Phó chủ tịch phường khẳng định lễ hội làng Ném Thượng năm 2015 sẽ không thực hiện màn chém lợn, việc cắt cổ, chọc tiết lợn không diễn ra tại sân đình nữa.

Lễ hội chém lợn được tổ chức vào ngày mồng 6 tết âm lịch hàng năm tại thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Tương truyền, ngày xưa có một vị tướng cuối đời nhà Lý khi đánh trận chạy đến vùng núi này đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, người dân đã mở hội chém lợn hằng năm để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này.

Vào ngày lễ hội, 2 chú lợn được rước đi vòng quanh làng với các phường trống, kèn, cờ, táng lọng cùng các đội múa sênh tiền, đội tế lễ, đội dâng hương bồi bái viên… Dân làng bày mâm cúng, góp tiền công đức khi đoàn rước lễ đi qua.

Khi lễ rước trở lại sân đình, hai thủ đao sẽ ra tay chém các chú lợn làm đôi để tế thánh. Các đao phủ này được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi.

Thịt lợn tế thánh được chia cho mọi người với mong muốn cả làng được phát tài, phát lộc. Theo quan niệm dân gian, máu lợn sẽ đem lại sự may mắn cho họ cả năm. Vì vậy, tại lễ hội, nhiều người dân mang tiền, dây cột gia súc, nông cụ… ra thấm máu lợn cầu may.

M.T (tổng hợp)

Tranh cãi nảy lửa quanh lễ hội chém lợn man rợ nhất châu Á
Rate this post