Điểm danh 11 đặc sản chỉ có tại Đồng Tháp

Ngoài nức tiếng là làng mỹ nhân, Đồng Tháp còn nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã đậm đà mùi vị miền Tây sông nước. Cùng Du Lịch điểm qua vài đặc sản chỉ có tại Đồng Tháp nhé!

 

1) Chuột đồng lăn lu

Người miền khác nghe đến Chuột đồng đã sởn gai óc thì nói gì đến việc ăn luôn cả con. Nhưng, chỉ cần nếm một chút là người khó tánh cỡ nào cũng sẽ yêu và ghiền luôn món ăn lạ miệng đó.

Chuột đồng Đồng Tháp vào mùa gặt con nào con nấy béo múp míp như heo sữa nhỏ, vì ăn nhiều lúa nên thịt chuột thơm, mềm và ngon không kém thịt nai.

Chuột bắt về được làm sạch lông và ruột, cắt móng ướp gia vị để tầm 15 phút cho thấm,  sau đó tùy sở thích của đầu bếp có thể mang đi chiên, cuộn rơm hay hấp đều được. Nhưng lăn lu có lẽ là ngon hơn cả.  

2) Bún riêu cua đồng

Bún riêu thì từ nam chí bắc nơi nào mà chả có, nhưng nói đến bún riêu cua đồng thì miền tây là nhất.

Món ăn gồm phần bún lá hoặc bún rối và riêu làm từ cua đồng. Riêu được nấu từ phần gạch cua, thêm vào đó là phần lọc lấy từ xác thân cua giã nhuyễn, nấu với quả dọc, cà chua, mỡ nước, mẻ ngấu, nước mắm, hành hoa.

Bún riêu ăn nóng, khi ăn thường kèm mắm tôm rau ghém (rau diếp thái nhỏ và cọng rau m.uống chẻ). Bún riêu là một món ăn có vị chua thanh, ăn vào mùa hè rất mát nên được đa số người Việt và du khách nước ngoài yêu thích.

3) Ếch xào lăn

Ếch là món ăn tuy dân dã nhưng lại được vua chúa yêu thích, thịt ếch đồng có nhiều dưỡng chất tự nhiên, tính hàn vị ngọt. Nên khi ăn món này, người ta thường ăn kèm thêm chuối chát, lá cách non, ớt, rau răm, ngò gai…

Dân miền Tây có nhiều cách chế biến ếch đồng như bóp thấu, hầm thập cẩm, nướng, luộc xé phai, hấp, xáo xả ớt nhưng xào lăn có lẽ là ngon hơn cả. Ếch xào lăn sau khi chế biến có vị béo đậm đà của nước cốt dừa, mùi thơm của sả và bột cà ri, nhất là thịt ếch vừa ngọt vừa chắc, đem lại cảm giác khó quên cho người ăn.

4) Bông súng mắm kho

Dân gian có câu “Muốn ăn bông súng mắm kho/Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Đúng là không đâu tìm được cái vị mắm đặc trưng như Đồng Tháp, bình dân với chút cá kèo, thịt vụn, vài con tôm bạc, nhà nào sang thì trong nồi mắm kho có thêm miếng ba chỉ, vị béo của nước cốt dừa. Vậy là xong một món, không công thức, vị nêm tùy hứng nhưng lâu dần nó lại thành cái mùi riêng không lẫn đi đâu được.

5) Ba khía

Ba khía giống cua thân có màu tía, thịt có màu đen vị mặn như cua m.uối. Ba khía có thể chế biến thành mắm hoặc ram me đều rất bắt cơm. Ba khía m.ua về rửa sạch trụng qua nước sôi, thêm vào tỏi ớt, chanh, đường cát trắng, nếu có thêm khóm hay xoài xanh càng tốt. Trộn đều tầm 10’ là có thể ăn ngay với cơm trắng.

6) Canh chua Bông điên điển cá linh

Chắc không đâu có được cái món Bông điên điển cá linh đậm chất dân dã bằng Đồng Tháp, bởi cái giống cây hoa vàng chỉ nở dọc ven sông ấy cùng với những tóp cá linh non ngọt chỉ có duy nhất tại nơi đây.  Vào khoảng tháng 7 tháng 8 Âm lịch, cá linh non theo nước lũ tràn vào l.ạ.ch, con nào con nấy béo ú thịt săn mềm, bông điên điển nở rực cả một góc sông. Cá bắt về không cần cạo vẩy cứ bóp lẫy ruột rồi rủa m.uối cho sạch bớt tanh là có thể mang nên nấu canh chua. Thịt cá ngọt kết hợp cái cay chua nồng đặc trưng và vị bùi điên điển là cái vị không dễ gì quên, cứ nhắc đến là lại túa nước miếng. 

7) Hủ tiếu Sa Đéc

Hủ tiếu là món ăn quen thuộc tại miền Tây, không đâu là không có hủ tiếu. Nhưng một khi đến Đồng Tháp thì bạn nhất định phải rẽ ngay Sa Đéc để nếm thử món này. Với giá cực bình dân chỉ từ 6 – 12.000 đồng với 3 loại: khô – nước – chay. Tô hủ tiếu có đầy đủ thịt, xương, giá, bánh hủ tiếu, tùy khẩu vị người ăn có thể kêu thêm khoanh giò nhưn, móng heo…

Cọng hủ tiếu dai mịn làm từ bột gạo, nước lèo xương hầm nóng hôi hổi làm bạn ăn một lần là ghiền luôn cho những lần tới!

8) Cá lóc nướng trui ăn kèm bánh tráng

Cá lóc nướng trui là món ăn xuất phát từ nông dân chân chất, cá bắt từ sông lên không cần sơ chế, chỉ cần rửa sạch xuyên một cây từ đầu lên đuôi vùi vào ổ rơm đốt lửa đến khi tro tàn là đủ. Cá chín thịt bay mùi thơm phức, cạy hết phần than đen bên ngoài, thịt cá trắng như bông bên trong, cuộn thêm chút rau sống, củ sắn xào với bánh tráng, chấm với bát nước chấm thêm ớt băm. Chút cay cay rượu đế là hết sảy! 

Phần nước chấm ăn kèm cũng khá đa dạng: người thích mắm me, người ưa mắm ruốc, người lại dùng tương chùa giã với tỏi thêm chút gia vị cho vừa ăn, người thì làm chút nước mắm pha ăn như gỏi cuốn. Món ăn này có thể để lai rai hoặc ăn cho no đều được.

9) Bánh xèo

Việt Nam có món bánh xèo là lạ, bánh miền Trung nhỏ nhắn xinh xắn còn bánh miền nam thì "bự chà bá". Lớp bánh vàng làm từ bột gạo, gạo thơm cốt dừa và ngh.ệ đã qua nêm nếm, phần nhân thêm miếng thịt ba chỉ, vài con tôm bạc, chút giá tươi có chỗ còn cho thêm vài hạt đậu xanh ăn cho béo. Bánh được rán trên chảo dầu, được các cô thợ nấu tung hứng lên xuống vài lần là có thể dùng được.

Bánh xèo Đồng Tháp ăn với rau sống thêm vào chút lá bằng lăng chấm với mắm pha tỏi ớt chua chua ngọt ngọt, vị béo thanh ngất ngây không gì tả nỗi.

10) Gỏi ngó sen bánh phồng tôm

Người Bắc gọi là nộm người Nam gọi là gỏi, nhìn chung cũng là cách gọi cho món rau trộn vị chua ngọt của Việt Nam mà thôi. Thay vì dùng gà, hoa chuối, Đồng Tháp mình lại nghiện món gỏi ngó sen tai heo, bao tử ăn với bánh phồng tôm. Không giống những nơi khác, người Đồng Tháp không dung dấm để trộn gỏi mà họ còn dùng cả chanh và mắm đường để tạo ra hương vị rất riêng, khó lẫn đi đâu được.

11) Nem Lai Vung

"Ai về Đồng Tháp mà xem/Lai Vung, con gái gói nem xắt bì", một khi nhắc đến Đồng Tháp mà không nhắc đến nem Lai Vung thì đúng là một thiếu sót cực kỳ lớn. Chiếc nem được gói rất cầu kỳ tỉ mĩ, phần thịt được xắt từ thịt nạc không mỡ, quết nhuyễn với bì lợn, thính, đường m.uối, tỏi cho vừa ăn, ngoài bọc bằng lá chùm ruột hay lá vông non. Cộng thêm lớp lá chuối quấn bên ngoài, sau vài ba ngày hơi mát từ lá gói làm nem lên men mang lại hương vị cay giòn đặc biệt.

Ngày nay, khi kinh tế ngày càng phát triển người trẻ vì thế cũng thích những món ăn sang hơn là những món ăn đơn giản dân dã, tuy vậy bằng sự yêu nghề yêu văn hóa ẩm thực nguồn cội các món đặc sản vẫn được giữ lại và phát triển thêm. 

 

Nguồn: Wikipedia và Non nước Việt Nam – Vũ Thế Bình (Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, năm 2012) 

Điểm danh 11 đặc sản chỉ có tại Đồng Tháp
Rate this post