Mùa thu lạc bước xứ Hàn: Thiên đường tình yêu!

Những ngày làm việc tại Hàn Quốc tôi nghe được câu nói giống như người Mỹ nói với tôi khi đi công tác ở Hoa Kỳ: Bạn đến Mỹ mà chưa đến Las Vegas nghĩa là chưa đến Mỹ.

Còn ở xứ Hàn người dân nơi đây cũng rất tự hào với một địa danh mà nếu gặp người nước ngoài đến xứ sở Kim Chi du lịch: Đến Hàn Quốc anh chưa ra đảo Jeju thì anh chưa đến được Hàn Quốc! Thế là tôi lại tất tả thu xếp một chuyến đi để được chiêm ngưỡng hòn đảo được mệnh danh thiên đường tình yêu!

Hàn Quốc, mùa thu

Đỉnh núi lửa Hallasan và một phần lòng chảo nơi 100 người con hóa đá.

Sau 50 phút bay trên trên máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không ASIANA AIRLINES từ sân bay Gimpo ở thủ đô Seoul, tôi đã đặt chân tới đảo tình yêu.

Mùa thu xứ Hàn nhìn từ trên cao đảo Jeju nổi lên giữa biển xanh đẹp đến nao lòng. Từng con sóng đuổi nhau vào bờ càng làm cho đảo tình yêu trở nên thơ mộng.

Đặt chân xuống sân bay Jeju tôi có cảm giác hình như không khí thanh bình mà các bạn đồng nghiệp nói với tôi chưa thật chính xác, bởi sân bay trên đảo tấp nập hành khách, máy bay lên xuống liên tục, không khí ồn ào náo nhiệt. Thế nhưng, ra khỏi sân bay, cảnh sắc Jeju hoàn toàn đổi khác. Jeju thành bình, yên ả, tràn ngập nắng gió, thu về sắc đỏ của lá cây phong chen lẫn màu vàng của lá cây ngân hạnh làm cho đảo tình yêu lung linh huyền ảo.

Địa danh đầu tiên tôi đặt chân tới là quần thể núi lửa Hallasan với 360 núi lửa vệ tinh hay còn gọi lỗ ký sinh núi lửa bao quanh, đồng thời là thành phần chủ yếu của đảo Jeju.

Hàn Quốc, mùa thu

Làng văn hóa các dân tộc nơi quay bộ phim “Nàng Dae Jang Geum” nổi tiếng

Có lẽ lúc núi lửa phun trào nham thạch lần cuối cùng đã tạo dựng ngọn núi lửa Hallasan cao đến 1950m. Vì thế, ở bất cứ đâu trên đảo Jeju cũng có thể nhìn thấy đỉnh núi lửa này. Và, chính điều này đã làm nên niềm tự hào của người dân xứ Hàn: Đây chính là đỉnh núi đón ánh bình minh đầu tiên mỗi ngày trên xứ sở Kim Chi. Tôi háo hức đến Hallasan, bởi lẽ nghe được truyền thuyết mà người dân trên đảo Jeju kể lại gần giống với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ ở Việt Nam.

Chuyện rằng, đã lâu lắm rồi, từ khi “đẻ đất đẻ nước” đảo Jeju chỉ là hòn đảo chết vì không có người dân sinh sống. Vì thế, thượng đế đã sai hai người xuống để trông nom hòn đảo này. Và họ lập gia đình với nhau, sinh được 100 người con trai. Ngày qua tháng lại 100 người con lớn lên và tự tìm vào rừng hái trái cây, lấy mật ong, săn bắt thú rừng đỡ đần cha mẹ. Vào một ngày trời yên biển lặng, người cha ra biển đánh cá, các con vào rừng hái quả chặt cây, người mẹ ở nhà nấu nồi cháo to để các con về ăn, không may bất cẩn trượt chân ngả vào nồi cháo. Khi các con trở về nhà không thấy mẹ đâu, tất tả đi tìm nhưng không thấy. Đói quá 99 người con lấy bát múc cháo ăn, duy có người con út chưa tìm thấy mẹ nên không ăn cháo. Khi ăn hết nồi cháo 99 người con không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy hài cốt mẹ nằm dưới đáy nồi. Thương xót mẹ và hối hận 100 người con ôm mặt khóc hết ngày này qua tháng khác. Những giọt nước mắt khóc thương của các con chảy xuống tạo dòng chảy bào mòn đỉnh núi thành lòng chảo rộng lớn, và tự bao giờ những người con của mẹ đều hóa thành đá. Tạo hóa khéo sắp đặt để giờ đây hậu thể được nhìn thấy 100 khối đá “thân thể” của 100 người con đứng thành vòng tròn quanh lòng chảo rộng lớn tượng trưng cho nồi cháo của mẹ ngay trên đỉnh núi lửa Hallasan. Trong 100 người con, duy nhất có người con út quay mặt hướng ra biển lớn, 99 người con còn lại hướng mặt vào đất liền…

Hàn Quốc, mùa thu

Ghềnh đá đĩa Jusan gjeolli.

Tò mò muốn có kiểu ảnh trên đỉnh núi lửa Hallasan, và cũng là dịp kiểm tra lại sức khỏe của mình khi tuổi không còn trẻ, tôi quyết định chinh phục đỉnh Hallasan cao gần 2000 m.

Ngoài quãng đường từ chân núi đi lên lưng núi tương đối thuận tiện, tôi đặt chân vào nấc thang đầu tiên, và sau gần 1 giờ leo gần 700 bậc thang tôi đã có mặt trên đỉnh núi ngắm nhìn toàn cảnh hòn đảo tình yêu và chụp hình lòng chảo nơi có 100 người con hóa đá. Và, trên đỉnh của ngọn núi này tôi mới ngộ ra rằng người Hàn Quốc có lý khi nói rằng chính đỉnh cao nhất của núi lửa Hallasan này là nơi đón ánh bình minh đầu tiên trong ngày…

Đến đảo Jeju ngoài việc “thám hiểm” đỉnh núi Hallasan tôi không thể bỏ qua các điểm tham quan hấp dẫn khác. Đó là Viện bảo tàng gấu bông Teddy, bảo tàng dân tộc học, làng văn hóa dân tộc, đoạn đường kỳ bí, công viên tình dục, ghềnh đá đĩa Jusan gjeolli…

Chỉ có đoạn đường 100m được gọi là “con đường kỳ bí” hay con đường ma mà biết bao người phải tò mò tìm hiểu! Đoạn đường này là đường dốc, ô tô chở khách đúng điểm đã định dừng lại tắt máy, ngay lập tức như có bàn tay vô hình nào kéo xe chạy băng băng lên dốc. Xe càng nặng tốc độ càng nhanh. Không tin là sự thật nhiều người trực tiếp ra mặt đường làm “thí nghiệm”. Lạ thay, lấy nước đổ giữa đường thì nước chảy ngược, dùng chai nước lọc đặt xuống đường ngay lập tức chai nước lăn ngược lên đầu dốc…

Hàn Quốc, mùa thu

Thực nghiệm nước chảy ngược trên con đường ma.

Còn công viên Loveland Park được nhiều người biết đến là một trong hai công viên tình dục nổi tiếng thế giới. Dù làm cho nhiều người phải mắc cỡ khi tham quan, nhưng các tác phẩm nghệ thuật ở đây chủ yếu để giáo dục tình yêu và giới tính. 140 tác phẩm nghệ thuật đều là những pho tượng miêu tả chân thực và trần trụi đến mức người dạn dày kinh nghiệm tình ái nhất cũng phải đỏ mặt. Các tác phẩm ở đây đều do sinh viên thực hiện và công viên này cấm người dưới 18 tuổi vào tham quan…

Thời gian quá ngắn không thể tham quan và tìm hiểu cặn kẽ những điểm tham quan du lịch nổi tiếng trên đảo tình yêu. Chỉ có thể nói rằng, người dân xứ Hàn bằng trí tuệ, tài năng đã biến “hòn đảo chết” thành thiên đường tình yêu. Jeju chỉ có trên dưới 6 vạn dân mà hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch…

(Theo VH&ĐS)

Mùa thu lạc bước xứ Hàn: Thiên đường tình yêu!
Rate this post