Công ty TNHH Công Nghiệp HAI MY – Những giải pháp đơn giản tạo sự khác biệt lớn

Thành công trong việc sản xuất một số loại sản phẩm cơ khí đặc thù về kệ chứa hàng, xe đẩy, linh kiện thang máy, thang nâng hàng,… xuất khẩu mạnh vào thị trường Mỹ, Canada, Đan Mạch. Đặc biệt sản phẩm “kệ chứa hàng công nghiệp tự động hóa”, “Nhà để xe ô tô tự động” đã được nghiên cứu và đưa vào sản xuất thành công nhờ vào việc áp dụng các hệ thống quản lý hiện đại. Một số công ty lớn hàng đầu Việt Nam như Công ty Toyota Việt Nam, P&G, Domexco, Vinashin,v.v… đã trở thành khách hàng thân thiết của Hai My.

cong-ty-hai-my

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất, kinh doanh các loại khung, kệ chứa hàng bằng sắt, thép sử dụng trong kho chứa hàng công nghiệp và trưng bày hàng hóa, gia công sơn tĩnh điện và mạ kẽm chống nóng. Đặc biệt, trong tình trạng thiếu chỗ để xe ô tô tại nơi công cộng, cao ốc văn phòng, công sở, cơ quan,…tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại thì sản phẩm nhà để xe ô tô tự động của Công ty Hai My là “giải pháp đơn giản cho vấn đề lớn” mà khách hàng sẵn sàng chọn lựa.

cong-ty-hai-my-01
Ảnh: Công ty Hai My

Trong 25 năm qua, sản phẩm của Hai My đã thay thế hoàn toàn sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Với phương châm: “Không ngừng hoàn thiện và phát triển chất lượng sản phẩm!”, Kệ chứa hàng công nghiệp của Hai My được khách hàng trên khắp đất nước Việt Nam sử dụng. Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội bên cạnh tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh làm nền tảng văn hóa doanh nghiệp, Công ty TNHH công nghiệp Hai My hiện đang ngày càng phát triển nhanh chóng.

Phóng viên của chúng tôi đâ có buổi phỏng vấn Ông Nguyễn Trường Sinh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Công Nghiệp Hai My xoay quanh vấn đề thực trạng ngành cơ khí, sản xuất kho kệ công nghiệp hiện nay cũng như các vấn đề liên quan.

Với tư cách là một doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí, xin ông cho biết ý kiến của ông về thực trạng ngành hiện nay và sắp tới?

Là một ngành công nghiệp nền tảng, cơ khí đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Tuy nhiên, do hạn chế nguồn nhân lực, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành cho lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nên vào những năm cuối thế kỷ trước, ngành cơ khí nước ta không tạo được tiền đề vững mạnh cho việc tổ chức mạng lưới sản xuất, cũng như tổ chức nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Tuy nhiên, trước những bất cập về vai trò, ngành cơ khí Việt Nam cũng đã có những bước chuyển đáng kể trong giai đoạn 2001-2005, từ thụ động chuyển sang chủ động đầu tư, tìm tòi sáng tạo đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, thích nghi với cơ chế thị trường, từng bước hình thành được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí và sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm mới.

Đến giai đoạn hiện nay, sự phát triển của ngành cơ khí không thể tách khỏi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, hàng rào thách thức đối với ngành cũng không phải là ít: thiếu vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ hoặc để đầu tư mới nhằm tạo ra sản phẩm mới, chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Ngành cơ khí đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao, trong khi đó ở Việt Nam hiện nay chỉ có 19% lao động được đào tạo. Đây là thách thức lớn, phải mất nhiều năm và nhiều nỗ lực mới khắc phục được. Năng lực tư vấn và thiết kế yếu kém, vì vậy vẫn phải mua thiết kế và thuê tư vấn nước ngoài cho những công trình và sản phẩm quan trọng.

Muốn có những công trình, sản phẩm đặc trưng của mình với khả năng cạnh tranh cao cần nâng cao năng lực tư vấn, yếu tố quan trọng là đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo lại đội ngũ chuyên gia, các cán bộ khoa học và công nghệ theo hướng tăng cường trang bị, bổ sung cập nhật các kiến thức công nghệ mới, đủ sức tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến, đồng thời có thể tạo ra công nghệ riêng của đất nước.

Thương hiệu của đơn vị ông đã nổi tiếng. Xin cho biết nguyên tắc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của ông dựa trên những tiêu chí nào?

Cuộc đấu tranh giữ vững uy tín và bảo vệ thương hiệu của Hai My không giống với những doanh nghiệp khác. Con đường phát triển thương hiệu của Hai My dựa trên từng sản phẩm cụ thể và tuổi đời hãy còn non trẻ so với những thương hiệu lớn, nổi tiếng trong và ngoài nước. Các tiêu chí mà Hai My dựa vào là:

  • Tiếp cận người tiêu dùng.
  • Thực hiện tư vấn miễn phí cho khách hàng trong việc lựa chọn các giải pháp sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng.
  • Hai My thường xuyên cải tiến, đổi mới các dòng sản phẩm và tổ chức các chương trình tiếp thị, quảng bá rộng rãi giúp khách hàng dễ dàng nhận biết chất lượng sản phẩm mà Hai My cung cấp.
  • Giá rẻ không phải là tối ưu: So với các sản phẩm trong nước, giá của Hai My ngang bằng hoặc cao hơn do sử dụng nguyên liệu tốt hơn và chất lượng sản phẩm cao hơn. So với sản phẩm cùng loại nước ngoài thì giá hai My thấp hơn, các chính sách về dịch vụ hậu mãi nhanh chóng và chu đáo hơn.

Thương hiệu mạnh đương nhiên đồng nghĩa với “tăng giá trị cho Doanh nghiệp”. Vì thế xây dựng, củng cố, bảo vệ uy tín và phát triển thương hiệu để những sản phẩm nổi tiếng của Hai My luôn ở trong tiềm thức của người tiêu dùng là việc làm lâu dài và bền bỉ. Ðiều này bao giờ cũng mang lại những lợi ích to lớn cho Hai My trên chặng đường phát triển và hội nhập.

Có ý kiến cho rằng: “thương trường không hẳn là chiến trường”. Còn ông? Vì sao?

Ta thường nghĩ “thương trường là chiến trường” và quá chú trọng đến khía cạnh cạnh tranh nên nhiều khi quên rằng chiến lược kinh doanh còn bao hàm một khía cạnh khác rất quan trọng là “xây dựng”, tức là tìm và phát triển những mảng thị trường mới chưa có hoặc ít cạnh tranh.

Có thể dễ dàng nhận thấy nhiều lợi thế dành cho những doanh nghiệp biết phát hiện hay tạo ra thị trường mới. Thực tế, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể tìm ra một lối đi mới. Rào cản của con đường đi đến những hướng phát triển mới nhiều khi chính là những cách làm tuy đúng nhưng đã thành lối mòn. Những cách làm kinh điển theo các lý thuyết cạnh tranh là phải phân tích thị trường, phân tích đối thủ và tìm cách làm tốt hơn để giành lấy thị phần. Nhưng nếu dừng lại ở đó, doanh nghiệp chỉ có thể quanh quẩn giành giật qua lại trong những thị trường “đất hẹp đối thủ đông”.

Không thể chỉ cố sức cạnh tranh để chiến thắng đối thủ. Theo Hai My thì nên chuyển hướng vào những lĩnh vực còn bỏ ngỏ, nhằm tìm ra những vùng “đất rộng, đối thủ thưa”, màu mỡ và mới mẻ hơn.
Tạo ra sản phẩm với sự khác biệt và giá phải chăng cùng lúc bao giờ cũng tránh được sự cạnh tranh.

Xin cho biết suy nghĩ của ông về vai trò của tầng lớp doanh nhân Việt Nam trong xu thế hội nhập.

Sự tăng trưởng cao của nền kinh tế nước nhà trong những năm qua đã tạo ra một đội ngũ doanh nhân – những người thúc đẩy trình độ kinh doanh chung và từng bước đưa nền kinh tế nước ta sánh vai với nền kinh tế khu vực và thế giới. Doanh nghiệp, doanh nhân xứng đáng được xã hội tôn vinh.

Thứ nhất: họ được xã hội thừa nhận, được đánh giá đúng mức về vị trí, vai trò trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. “Phi thương bất phú”, giàu có là một phúc lộc mà ai cũng mơ ước. Doanh nhân là lực lượng tạo ra của cải cho đất nước. Thực tế, ở nước ta, sau một thời gian dài chìm trong “bóng đêm” của giai đoạn quản lý kinh tế theo cơ chế bao cấp, những doanh nhân Việt đã có được vị thế xứng đáng trong hàng loạt quyết sách của đất nước: luật công ty 1990, sau đó luật doanh nghiệp năm 2000, và tiếp đó ngày Doanh nhân Việt nam được ra đời,…

Thứ 2: Xã hội hiểu hơn về những gian truân vất vả mà doanh nghiệp phải trải qua. Không có vinh quang nào tự nhiên mà có. Phải tốn rất nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt,…mới có thể làm cho dân giàu, nước mạnh. Chúng ta cứ hình dung, cả nước là một “doanh nghiệp”, là một “đại doanh nhân”, để hội nhập với thế giới thì “doanh nhân Việt” giờ đây mới đang bắt đầu khởi nghiệp đầy khó khăn và thử thách! Mỗi một “Doanh nhân nhỏ” như chúng tôi ví như là một tế bào đang duy trì “sự sống” của “Doanh Nhân Việt”- “Doanh Nhân Việt”góp phần tạo nên “Thương Hiệu Việt”, và đó là hành trang văn hóa của dân tộc.

Lê Thu Thùy

Công ty TNHH Công Nghiệp HAI MY – Những giải pháp đơn giản tạo sự khác biệt lớn
Rate this post