Khi VAT tăng 12%, giá bán BĐS có khả năng gánh chịu “thuế chồng thuế”

Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện hành quy định “Chuyển quyền sử dụng đất” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung gần đây khiến nhiều người lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế”.

địa ốc

Liên quan đến việc Bộ Tài chính Báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tài nguyên… Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, tại khoản 6 Điều 5 Luật thuế GTGT hiện hành quy định Chuyển quyền sử dụng đất thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là hoàn toàn đúng cả về mặt pháp luật (để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế), phù hợp với tình hình thực tiễn, có lý có tình, và nhất là trong trường hợp chuyển nhượng nhà ở gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất.

“Bởi lẽ, tiền sử dụng đất dự án nhà ở là một khoản thu ngân sách nhà nước (gần tương tự như một khoản thuế) mà chủ dự án đã nộp; khi bán nhà ở kèm theo chuyển quyền sử dụng đất thì chủ dự án không phải nộp thuế GTGT (nghĩa là người mua nhà không phải trả thêm khoản thuế này) theo quy định tại khoản 6 điều 5 Luật thuế GTGT”, ông Châu nhấn mạnh.

Tuy nhiện, đến nay dự thảo Luật dự kiến áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế”, giá bán nhà theo đó tăng lên và người mua sẽ là người phải gánh thêm.

Từ đó, HoREA kiến nghị không áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất thì hợp tình hợp lý hơn.

Trong Luật sửa đổi, bổ sung về dự kiến nâng thuế suất thuế GTGT đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS theo 3 phương án: phương án 1: Tăng từ 10% lên 12%; phương án 2: tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 và 14% từ ngày 01/01/2021, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất thuế GTGT là 10% từ nay đến năm 2021 thì phù hợp hơn.

“Thuế GTGT có tác động rất lớn đối với nền kinh tế, tất cả doanh nghiệp, cũng như cuộc sống của người dân. Hiệp hội nhận thấy trong các nước Asean thì Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất GTGT 10%; Singapore 7%, Thái Lan 5%. Đối với thị trường BĐS, đặc biệt là nhà ở sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ. Việc đề xuất tăng thuế GTGT lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công… tăng lên, giá bán nhà tăng lên”, ông Châu cho biết.

Đồng thời, HoREA kiến nghị xếp hoạt động kinh doanh BĐS vào lĩnh vực sản xuất; lĩnh vực sản xuất áp dụng tỷ lệ 6 lần vốn chủ sở hữu (6:1); các lĩnh vực còn lại áp dụng tỷ lệ 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1).

Riêng về ưu đãi thuế trong hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ, Hiệp hội cũng kiến nghị áp dụng ưu đãi thuế GTGT ở mức 5% tương tự như ưu đãi thuế GTGT đối với các dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư tham gia chương trình cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.

Khi VAT tăng 12%, giá bán BĐS có khả năng gánh chịu “thuế chồng thuế”
Rate this post