Phong trào “đổi đất lấy hạ tầng” trở lại

Sau nhiều năm im ắng, hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” bỗng chốc sống dậy với những kế hoạch đầu tư chục nghìn tỷ. Đây là hình thức nhà đầu tư bỏ tiền xây hạ tầng giao thông, trụ sở… để Nhà nước sử dụng, đổi lại nhà đầu tư được cấp đất ở những trụ sở cũ của các sở ban ngành di dời.

đường Lê Văn Lương

Đường Lê Văn Lương (nay là đường Tố Hữu) đã đổi đời cho Nam Cường

Trở về 7-8 năm trước, hình thức đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao) gần như trở thành xu hướng khi thu hút nhiều nhà đầu tư BĐS tên tuổi như Nam Cường, Geleximco… tham gia đầu tư hàng loạt tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Lê Trọng Tấn để đổi lấy những mảnh đất lớn dọc các tuyến đường mới mở để làm chung cư, biệt thự.

Hình thức đầu tư BT nở rộ khắp các địa phương cho đến khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc đổi đất lấy đường, nhà máy nước… trên địa bàn TP.Hà Nội xuất hiện sai phạm. Theo kết luận, có 7 dự án BT trong chương trình đối đất lấy hạ tầng của TP.Hà Nội xảy ra sai phạm gây thất thoát vốn nghiêm trọng.

Tiêu biểu, dự án nhà máy nước Yên Sở do Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) thực hiện. Dự án này có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ lẫn Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Tập đoàn Gamuda Berhad giảm giá trị quyết toán dự án thành hơn 61,9 triệu USD và yêu cầu nộp trả UBND TP.Hà Nội hơn 484 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị TP.Hà Nội thanh toán giảm so với giá trị quyết toán nhà đầu tư lập tương đương hơn 872 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ với tổng chiều dài hơn 40km (thực tế mới làm được hơn 18km) của CIENCO 5. Theo Thanh tra Chính phủ, việc phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là không có cơ sở, dẫn đến xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng.

Được biết, đối với dự án này, Cơ quan an ninh điều tra đang xác định hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong quá trình CIENCO 5 và CIENCO 5 Land thực hiện dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ và 3 dự án khu đô thị để hoàn vốn là Thanh Hà A – CIENCO 5, Thanh Hà B – CIENCO 5, Mỹ Hưng – CIENCO với tổng diện tích gần 600 ha. Tổng mức đầu tư dự án đường BT này là hơn 6.000 tỷ, bao gồm cả 920 tỷ đồng chi phí lãi vay mà Thanh tra Chính phủ kết luận là sai quy định.

dự án Thanh Hà CIENCO 5 đang bị điều tra

Dự án Thanh Hà CIENCO 5 đang bị điều tra

Cứ ngỡ, hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” sẽ rơi vào tình trạng “thoái trào” sau khi thị trường BĐS “đóng băng”, tuy nhiên, 1-2 năm trở lại đây, phong trào làm dự án BT một lần nữa trở lại và có vẻ sôi động hơn với sự chuyển hướng kinh doanh từ các Công ty CP Tasco, Công ty CP Đầu tư Tuấn Lộc, Cienco4,… Được biết, trước đây các công ty này là những nhà đầu tư BOT giao thông.

Theo đó, hàng loạt các dự án từ thành phố đến địa phương lần lượt kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông, cơ quan, trụ sở… theo hình thức “lấy đất đổi” này.

Đơn cử một dự án đường sắt đô thị, để có 40 tỷ USD Hà Nội đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 thêm 6.000 ha đất để làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư tư nhân thực hiện các dự này. Tổng giá trị quỹ đất này theo tính toán của Hà Nội lên tới 300.000 tỷ đồng (15 tỷ USD).

Hay những đề xuất “đổi đất lấy trụ sở” nhằm xây trung tâm hành chính tại các địa phương như: Khánh Hòa (4.300 tỉ đồng), Hải Dương (2.060 tỷ đồng), Nghệ An (2.200 tỷ đồng), Hải Phòng, Thanh Hóa,…

Thực tế, khi ngân sách eo hẹp, nợ công chạm trần, việc thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng bằng nhiều hình thức, trong đó có BT là dễ hiểu. Nhưng với những hình thức đầu tư ẩn chứa nhiều nguy cơ thất thoát, bắt tay, xin cho như BT, việc kiểm soát chặt chẽ để không lặp lại các sai lầm là cần thiết.

Theo TS Nguyễn Xuân Thành, trong trung hạn, thay vì việc đổi đất lấy hạ tầng như trước khiến cho hoạt động không minh bạch, làm tăng nợ công, có thể đổi phương thức huy động vốn cho đầu tư công. Đó là nên chấp nhận cho các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng bằng trái phiếu công trình, đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, Nhà nước không bảo lãnh thì không gánh nợ công. Tiến hành đấu thầu cạnh tranh, hạ tầng đầu tư xong thì giá trị càng cao và thực hiện đấu giá đất, thu tiền về và sẽ trả nợ trái phiếu. Như vậy vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, không làm tăng nợ công mà vẫn đảm bảo minh bạch.

Phong trào “đổi đất lấy hạ tầng” trở lại
Rate this post