Ghé thăm Hòn Bạc: niềm tự hào của mảnh đất Cà Mau

Đến Cà Mau, du khách hãy một lần đến thăm Hòn Đá Bạc – khu du lịch thú vị chỉ cách TP. Cà Mau tầm 60km.

Từ TP. Cà Mau, du khách có thể đi xe máy hoăc ô tô về hướng Tắc Thủ đường về vườn quốc gia U Minh Hạ, đến ấp Đá Bạc B (xã Khánh Bình Tây  – huyện Trần Văn Thời) biển sẽ hiện ra mang theo ba hòn nằm liền nhau, gọi tên lần lượt là hòn Trội (hòn Đá Lẻ) – Ông Ngộ và Đá Bạc.

Theo nhiều tài liệu hòn Đá Bạc có tuổi thọ gần 180 triệu năm (thuộc kỷ Jura giữa –trung sinh) với diện tích 6,43ha, hòn cao nhất chỉ vào khoảng 50m so với mực nước biển.

Sở dĩ mang tên là hòn Đá Bạc vì xung quanh khu vực này có khá nhiều viên granit (đá hoa cương) xếp chồng lên nhau tạo nên hình thù độc đáo. Dưới ánh nắng, cả khu vực gần như phát sáng và lấp lánh ánh bạc.

Ngoài các mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh, khi đến thăm cụm hòn này, du khách còn có cơ hội đến viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lăng Ông Nam Hải.

Theo tài liệu, ngày 20/5/1995 một cá voi lớn vì cứu người mà mắc nạn trôi dạt vào Kinh Chùa sau ba ngày thì lụy (chết), người dân vì ơn đã mang cá đi chôn. Đến năm 1996, bộ xương cá 13m đã được mang về Hòn Đá Bạc thờ, mỗi năm dân trong vùng thành kính làm lễ Nghinh Ông vô cùng long trọng vào ngày 23 tháng 5 âm lịch để cầu mưa thuận gió hòa, ngư dân làm ăn may mắn an khang.

Không chỉ có thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú mà hòn Đá Bạc còn là nơi ghi dấu 2 chiến công lẫy lừng của quân và dân Cà Mau.  Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhầm phong tỏa căn cứ Khánh Bình Tây chính quyền Mỹ đã chọn Hòn Đá Bạc làm cứ địa quân sự. Tháng 12-1971, với cụm pháo 105 ly, quân dân xã Khánh Bình Tây đã đồng loạt “hất cẳng” một trung đội pháo binh, góp phần đập vỡ âm mưu bình định và giải phóng Hòn Đá Bạc.

Vào năm 1981, nơi đây còn là cứ điểm diễn ra Kế hoạch phản gián CM 12 (kéo dài 4 năm), đánh bại hoàn toàn âm mưu lật đổ chính quyền Việt Nam đương thời do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đứng đầu.

Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ – BVHTTDL công nhận di tích “Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12” là Di tích lịch sử Quốc gia.

Du khách khi một lần tìm đến Hòn Đá Bạc, giữa biển trời lộng gió yên tĩnh nghe hết chuyện xưa sẽ cảm thấy lòng mình tự nhiên lắng lại và tự hào thêm về mảnh đất và con người Cà Mau bất khuất quật cường, mọi lo toan hiện tại vô tình rơi đi đâu mất.

 Nguồn: Non nước Việt Nam – Vũ Thế Bình (Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, năm 2012), Wikipedia và http://www.baohaiquan.vn/

Ghé thăm Hòn Bạc: niềm tự hào của mảnh đất Cà Mau
Rate this post